Lịch Sử - Môn học nên từ Ghét thành Mến
Lịch Sử - Môn học nên từ Ghét thành Mến
Lịch sử vốn không hề khô khan nhưng với lối học cũ và hiểu sai, chúng ta đã dần xây nên định kiến xấu về môn học “nhiều chữ” này.
Dường như, xu hướng cập nhật cái mới là sự ưu tiên hơn, thay vì quay về, tìm lại và thấu hiểu những giá trị văn hóa xưa cũ thuộc về lịch sử. Cụ thể hơn, môn lịch sử đã dần được xem là môn học bị “lu mờ” và “thiếu xem trọng nhất” trong số những môn được học trên trường lớp.
Với tâm thế sẵn sàng tìm hiểu dưới lăng kính đa chiều, hãy cùng NQH hóa giải định kiến và tìm ra cách thấu hiểu sâu sắc nhất về môn Lịch sử này nhé!
“Ác mộng” mang tên “Lịch sử”
Hai chữ “ác mộng” là từ mà đa số các bạn trẻ phản ánh khi nhắc đến ấn tượng về môn lịch sử. Vậy lý do dẫn đến cảm xúc tiêu cực khi học lịch sử là do đâu?
Tác phẩm Lộc Ninh giải phóng | Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Lịch sử được giáo dục một chiều
Lý do trọng tâm chính là lối dạy học truyền thống cũ theo một chiều: từ giáo viên đến học sinh.
Sự thật là từ xưa đến nay, chúng ta đã quen với cách học sử theo kiểu cô đọc trò chép, chỉ nghe giảng và thường ở thế học “bị động” hơn là chủ động.
Học sinh như những chiếc két rỗng cần lấp đầy bằng tri thức - ghi nhớ hàng trăm nghìn sự kiện và thời điểm, tiếp thu kiến thức từ thầy cô mà không thắc mắc hay chất vấn xem kiến thức ấy có thể được hiểu khác đi hay không.
Lịch sử “khó nuốt” khi bị ép buộc
Bắt nguồn từ suy nghĩ: “càng biết nhiều về lịch sử đất nước thì càng yêu nước, càng có sự trân trọng văn hóa dân tộc”, học sinh phải học lịch sử theo cách “ép buộc” dần đà trở nên phổ biến.
Cũng chính vì tư tưởng này mà phương pháp dạy và học sử nặng về việc ghi nhớ, học thuộc các tri thức có sẵn. Các em phải nhồi nhét những sự kiện, con số, và ý nghĩa lịch sử như những sự thật hiển nhiên mà không thể bàn cãi.
Việc tiếp nhận tri thức vì thế trở nên tĩnh tại, khiến cho các em mất dần ham muốn tìm hiểu thêm những gì không được viết trong sách. Thậm chí tệ hơn là hậu quả bào mòn khả năng đặt câu hỏi và phản biện của mình.
Làm sao Mến sử thay vì Ghét sử?
Tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm ở ngoại ô Sài Gòn, 1975 | Nguồn: National Gallery Singapore
Với nguồn tin mới đây: “Lịch sử sẽ thành môn bắt buộc vào năm 2025” (Tin giáo dục TP. Hồ Chí Minh), bạn sẽ cảm thấy ra sao khi hầu hết ý kiến là phản đối kịch liệt, thậm chí là có những công kích, đổ dồn về việc gắn mác lịch sử là “khô khan”, “nhàm chán”, “khó học” vì phải nhớ nhiều những sự kiện gắn liền với con số theo chiều dài năm tháng?
Sẽ như thế nào nếu như chúng ta chọn giậm chân mãi tại một điểm tối của định kiến chung mà chỉ trích thay vì đón nhận nó bằng sự điềm tĩnh hơn và tập trung vào giải pháp?
Thế hệ trẻ của chúng ta nên là một thế hệ hành động, chậm lại để thấu hiểu và phân tích vấn đề đang diễn ra và quyết liệt tìm kiếm cách để cải thiện tốt hơn. Dưới đây là một vài định hướng tham khảo để giúp bạn có góc nhìn tích cực hơn về việc học sử:
“Cởi mở” đón nhận lịch sử
Tinh thần cởi mở với định kiến sẽ ít nhiều đòi hỏi sự dũng cảm để chấp nhận bước đầu tìm hiểu. Bởi lẽ, định kiến xuất hiện là do chúng ta có xu hướng tự bảo vệ quan điểm, trở nên khó chấp nhận với những điều khác biệt và không phù hợp với sở thích của chính mình.
Tuy nhiên, việc cởi mở để hiểu môn Lịch sử này không khó đến mức như cách ta thường trầm trọng hóa. Đơn giản là thay đổi góc nhìn: “Liệu lịch sử còn khía cạnh thú vị nào khác không?”. Đó cũng là một tín hiệu tốt để bắt đầu dám tìm tòi và hiểu hơn về môn học này.
Hãy xem ý nghĩa của việc học Lịch sử đơn giản là có cơ hội được “nhận nhiều hơn thiệt”:
- Được cảm nhận và hòa mình với câu chuyện thời đại, văn hóa; được nhen nhóm và nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
- Học lại những giá trị, bài học mà thế hệ trước đã trải qua. Kinh nghiệm thành công thì tiếp tục tích lũy. Thất bại hay thiếu sót cũng là bài học cho ta nhìn vào lịch sử để soi lại mình.
Tác phẩm Bắc Quảng Trị, 1966 | Nguồn: National Gallery Singapore
Học lịch sử để tư duy chứ không phải học thuộc
Quan trọng nhất của việc học lịch sử là “Tư duy lịch sử”. Nói cách khác, học lịch sử không nằm ở việc học thuộc lý thuyết suông.
Học sử còn là học để phát triển và hình thành năng lực tư duy phản biện một cách có chiều sâu: biết đánh giá một sự vật, sự việc ở góc độ đa chiều, rộng mở và bao quát hơn. Từ đó, rèn luyện cho ta một thói quen: đủ bình tĩnh nhìn nhận mọi việc một cách khách quan và sâu sắc nhất trước khi ra quyết định.
Ở tư duy lịch sử, có 6 loại năng lực cơ bản có thể áp dụng trong những vấn đề thực tiễn:
- Ý NGHĨA, TẦM QUAN TRỌNG
- BẰNG CHỨNG
- TIẾP NỐI VÀ THAY ĐỔI
- NGUYÊN NHÂN & HỆ QUẢ
- GÓC NHÌN, QUAN ĐIỂM
- ĐẠO ĐỨC, HÀNH ĐỘNG
Hình thức học lịch sử mới lạ
Tác phẩm Lộc Ninh giải phóng | Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
“Vấn đề quan trọng là dạy cái gì, và dạy như thế nào để hữu ích và lôi cuốn người học ?” - theo TS Tô Văn Trường.
Đó cũng là một góc nhìn phù hợp với hiện tại - khi mà chúng ta có đa lựa chọn và có quyền được ưu tiên chọn những kiến thức được truyền tải dưới những hình thức bắt mắt hơn, dễ tiếp cận hơn.
Dạy lịch sử cũng không nhất thiết chỉ qua môn Lịch sử. Học sử bằng các sáng tác nghệ thuật về lịch sử sẽ là lựa chọn thú vị giúp tri thức thấm sâu vào người học hơn là những bài thuyết giảng khô khan hay sơ đồ các trận đánh.
Ví dụ điển hình như dự án phim hoạt hình “Việt Sử Kiêu Hùng” của nhóm bạn trẻ Đuốc Mồi đã thành công truyền cảm hứng yêu sử Việt cho thế hệ những người trẻ, giúp các bạn tiếp cận đến cách thức học sử hứng thú với âm thanh và màu sắc sống động. Đồng thời, lồng ghép vào đó là những câu chuyện lịch sử, giá trị đắt giá thể hiện chỉn chu qua từng thước phim.
-------------------
Các bài viết liên quan:
TÍNH ĐA NHIỆM - Khía Cạnh Đặc Biệt Của Những Con Người NQH
#NQHĐưaGiáoDụcVềGiáTrịThật | GIÁ TRỊ Trong Giáo Dục Của NQH
#NQHĐưaGiáoDụcVềGiáTrịThật | Cảm Xúc Tích Cực - Cốt Lõi của hành trình Dạy & Học tại NQH