Phương Pháp Giải Tỏa Áp Lực Nghề Nghiệp: Nghề Nhà Giáo
Phương Pháp Giải Tỏa Áp Lực Nghề Nghiệp: Nghề Nhà Giáo
Vừa qua Trung tâm Kỹ năng sống NQH đã có dịp ghé thăm giáo viên các trường khu vực quận Tân Phú để đưa ra những phương pháp giải tỏa áp lực nghề nghiệp: nghề nhà giáo. Hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc đáng giá này nhé!
Áp lực nghề nghiệp là câu chuyện muôn thuở của mọi thế hệ. Áp lực nghề nghiệp có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau: từ sự tự ti cá nhân, lời đàm tiếu của người ngoài cho tới áp lực về cuộc sống gia đình và từ học sinh, đồng nghiệp…
Áp lực nghề nghiệp nếu không được giải tỏa sẽ giống như quả bóng bay bị thổi căng quá mức, vỡ vụn. Vậy nên kỹ năng giải tỏa áp lực sẽ rất cần thiết không chỉ với thế hệ trẻ ngày nay mà cả bậc trung niên cùng cần lưu ý.
Hãy cùng xem qua trong buổi sinh hoạt kỹ năng sống này, Trung tâm Kỹ năng sống NQH đã mang đến những gì cho các thầy cô trường THCS Võ Thành Trang, THCS Hoàng Diệu và THCS Phan Bội Châu nhé!
Nghề nhà giáo và câu chuyện về áp lực nghề nghiệp
Nghề nhà giáo thực sự có nhiều áp lực nghề nghiệp hơn chúng ta thường nghĩ. Người ta thường hay nói chỉ có hai nghề xã hội gọi bằng thầy: Thầy thuốc và Thầy giáo. Nghiễm nhiên mọi người sẽ cho rằng giáo viên rất được coi trọng, nhưng sự thật có như vậy không?
Áp lực nghề nghiệp: Tâm sinh tướng
“Cô giáo như mẹ hiền” - Câu nói để diễn tả về người giáo viên được truyền qua muôn thế hệ nhưng cũng chính câu nói này đã vô tình tạo nên một hình mẫu đóng khung về người giáo viên trong tâm trí mọi người: Giáo viên là người phải có gương mặt phúc hậu.
Thật bất ngờ khi trong chính buổi sinh hoạt này, các thầy cô thừa nhận mình rất áp lực khi bị gắn cái mác “tâm sinh tướng”. Các thầy cô không mang đường nét hiền hòa trên gương mặt nên người ta thường đóng khung cả cái đường nét đó vào trong tính cách của các thầy cô.
Trong thời đại thông tin được lan truyền nhanh như hiện nay, không khó để chúng ta biết được đã có rất nhiều vụ việc giáo viên bị đình chỉ, trách móc hay thậm chí là chửi rủa, đánh đập bởi người nhà học sinh vì những câu chuyện xung quanh việc khiển trách học sinh.
Có người cho rằng khiển trách là việc nên có, cũng có người nói rằng đó là hiểu lầm nhưng theo góc nhìn của người trong cuộc, âu cũng là cái khổ khi có gương mặt không mấy hiền hòa.
Vậy mới thấm câu nói: “Đừng đánh giá cuốn sách qua vẻ bề ngoài”, bởi chúng ta sẽ không thể biết được tấm lòng yêu thương sâu sắc được bọc bên ngoài khuôn mặt ấy.
Áp lực nghề nghiệp: Thu nhập cá nhân
“Làm giáo viên lương ba cọc ba đồng thì lo gì được cho gia đình”
Chắc hẳn ai từng có định hướng làm giáo viên cũng từng ít nhất vài lần nghe câu nói này. Điều này gây sức ép rất lớn lên các thầy cô, đặc biệt là đối với các giáo viên nữ đã có gia đình.
Có thể mọi người sẽ chẳng hiểu được sự khó khăn về thu nhập của các giáo viên nếu chưa từng đứng ở vị trí của họ, nhưng có một điều mọi người sẽ chẳng thể bằng được những người giáo viên. Đó chính là: tình thương từ học sinh tích góp qua nhiều thế hệ.
Giáo viên là nghề trao đi rất nhiều giá trị và cũng nhận lại rất nhiều giá trị. Cùng là người làm trong ngành giáo dục, các thầy cô NQH rất hiểu cảm giác được học lại từ các em học sinh của mình.
Học về tinh thần nhiệt huyết không ngừng cố gắng của các em, học về tinh thần lạc quan, tinh thần tuổi trẻ và sự gắn kết của tuổi học trò.
Việc luôn được bao quanh bởi sức sống trẻ và những nụ cười chính là điều làm các thầy cô vẫn nhiệt huyết với nghề và cảm thấy tươi trẻ mỗi ngày. Ngoài ra thì tình thương giữa thầy và trò là thứ phần nào làm giải tỏa áp lực nghề nghiệp bên trong mỗi thầy cô.
Áp lực nghề nghiệp: Đối mặt và giải quyết
Ở trên là một số ít những áp lực nghề nghiệp mà các thầy cô đã chia sẻ với đội ngũ Trung tâm Kỹ năng sống NQH.
Cách tốt nhất để giải tỏa áp lực nghề nghiệp chính là phải nhận diện và đối mặt với nó trước tiên.
Được lắng nghe những viên đá nặng trĩu trong lòng các thầy cô giáo viên thực sự là một điều quý giá đối với đội ngũ Trung tâm Kỹ năng sống NQH. Rất cảm ơn các thầy cô đã tin tưởng và cùng nhau thực hiện phương pháp giải tỏa áp lực nghề nghiệp
Lời kết
Nghề nào cũng có áp lực của riêng nó và nếu không biết cách giải tỏa thì chính những áp lực nghề nghiệp này sẽ hủy hoại tinh thần và thậm chí là thể xác của chúng ta.
Đừng bao giờ coi thường áp lực và hãy luôn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để không chỉ bảo vệ bản thân bên ngoài mà còn cả tâm hồn bên trong.
—-----------------------------------------------------
Các bài viết liên quan:
Ngày hội kỹ năng thực hành xã hội: Ứng phó đuối nước và giật điện
Hoạt động chia sẻ sách của học sinh NQH Cấp 2
Trao giải mừng kỉ niệm 20 năm thành lập và phát triển quận Tân Phú và phường Tân Quý