Chiến lược ôn thi THPT bài Khoa học - Xã hội
Chiến lược ôn thi THPT bài Khoa học - Xã hội
Với các bài thi thuộc tổ hợp KHXH gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thầy cô khuyến khích thí sinh ôn theo hướng xây dựng sơ đồ tư duy.
“Chiến thuật” hợp lý
Thầy Nguyễn Tiến Vinh, Tổ trưởng Tổ Sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM) cho biết, đối với môn Khoa học xã hội, muốn có điểm tốt trong kỳ thi THPT, học sinh phải nắm rõ định hướng của Bộ GD&ĐT về nội dung ôn tập. Các kiến thức tích lũy cần được hệ thống hóa, nội dung bài cần được hiểu để vận dụng hơn là học thuộc lòng.
Riêng đối với môn Lịch sử, thầy Vinh cho biết, theo hướng dẫn của Bộ năm học 2021 - 2022, nội dung có chương trình lớp 11, liên kết giữa chương trình 11 với chương trình 12 và tập trung nhất vẫn là lớp 12. Trong đó chương trình lớp 11 bắt đầu từ lịch sử thế giới hiện đại và lịch sử Việt Nam bắt đầu từ năm 1858 (từ khi Pháp xâm lược Việt Nam). Riêng phần lớp 12, học sinh muốn có kết quả tốt thì phải chịu khó đọc sách giáo khoa, phải siêng năng làm bài tập trắc nghiệm mà thầy cô giao để làm quen với các bộ câu hỏi thì chắc chắn sẽ đạt điểm cao.
“Nội dung ôn tập của bộ môn Lịch sử hơi dài mà đề thi trắc nghiệm lại không có trọng tâm và rải đều khắp chương trình nên để nắm hết các kiến thức, học sinh phải xây dựng một thời khóa biểu ôn tập hợp lý; Khi ôn tập cần nắm chắc các kiến thức cơ bản. Để làm được điều này, học sinh phải thực hiện hệ thống hóa kiến thức. Các em có thể theo dõi các chuyên đề ôn tập rồi từ đó triển khai các sơ đồ tư duy cho riêng mình. Bên cạnh đó, cần rèn luyện các kỹ năng so sánh, tổng hợp, liên hệ trong khi học bài, vì thực tế cho thấy giải quyết các câu hỏi khó để phân loại đều phải dùng đến kỹ năng này…”, thầy Vinh chia sẻ.
Tương tự, cô Trần Thị Hải, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, đối với môn Địa lý khi ôn tập học sinh phải nắm bắt toàn bộ chương trình trong sách giáo khoa, không thể học tủ như thi tự luận. Tiếp đến là hướng dẫn học sinh sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để khai thác những kiến thức trong đó.
Đặc biệt sau mỗi bài học, học sinh nên trả lời các câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu; Cùng đó là lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương, với những nét chính yếu trước. Các em cũng cần quan tâm các mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý như khí hậu có ảnh hưởng gì đến địa hình, đến sông ngòi, sinh vật…; vị trí có thuận lợi gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng,…
“Theo đề minh họa, bài thi Địa lý có 15 câu xem bản đồ. Như vậy, để đạt được điểm cao, học sinh cần rèn luyện cách xem bản đồ sao cho thuần thục và chính xác bằng cách rèn luyện nhiều lần. Học sinh cần tập phản xạ nhanh để xác định được vị trí của các vùng, các tỉnh, các đối tượng địa lý. Ngoài ra, các em cần nắm rõ các ký hiệu để đọc bản đồ, phối hợp nhiều trang Atlat để trả lời một câu hỏi”, cô Hải chia sẻ.
Cập nhật kiến thức từ thực tiễn
“Các em phải nắm rõ chương trình và phải đọc sách giáo khoa để nắm được những phần cơ bản. Thường xuyên tập làm bài tập trắc nghiệm mà thầy cô ra ở trên lớp đã giao để làm quen với các dạng câu hỏi thường ra”, cô Hải nói.
Cũng theo chia sẻ của cô Hải, trong quá trình ôn tập, học sinh cần xác định và chấp nhận thực tế không phải môn nào cũng là sở trường của bản thân. Từ đó, việc học trở nên bớt dồn ép, tránh việc quá tải. Học sinh nên bình tĩnh rà soát, bổ sung những kiến thức chưa ổn. Việc đầu tư nghiêm túc học tập rất cần thiết, song tùy vào mỗi cá nhân mà có thể đưa ra quyết định nên cầu toàn hay không trong việc dàn trải ôn tập.
Cô Hoàng Thị Giang, giáo viên môn Giáo dục Công dân Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) cho biết, đề thi các môn Khoa học xã hội 100% trắc nghiệm, do đó cô thường nhắc nhở, động viên nên các em cũng tận dụng, tranh thủ thời gian làm đề thường xuyên để có được phản xạ tốt lúc làm bài. Trong quá trình làm đề, các em nhận ra những lỗ hổng kiến thức, từ đó biết bồi dưỡng, trau dồi thêm các kiến thức bị hổng.
“Môn Giáo dục công dân là bộ môn có nhiều câu hỏi thực tiễn. Học sinh ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa cũng cần bổ sung kiến thức thực tế. Các em nên tham gia giải quyết tình huống mà giáo viên đưa ra trong giờ học, cập nhật thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm kinh nghiệm sống và làm việc theo pháp luật. Tham khảo thêm sách báo, tư liệu về pháp luật, nếu có vướng mắc thì nhờ thầy cô tư vấn thêm”, cô Giang nói.
Cũng theo cô Giang, những năm trước cấu trúc đề thi môn Giáo dục công dân gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan, được phân theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Các câu hỏi có nội dung vừa sức, không đánh đố và không rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Vì vậy trong quá trình ôn tập, học sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, những kiến thức mà giáo viên trang bị trong quá trình giảng dạy. Đồng thời những kiến thức giáo viên mở rộng thêm, học sinh phải nắm để làm bài tập tốt hơn.
“Học sinh cần hệ thống lại kiến thức bằng hình thức sơ đồ tư duy (mà giáo viên đã hướng dẫn trong quá trình học), hình thức này đơn giản, dễ hiểu giúp các em nắm vững và khắc sâu kiến thức hơn. Mặt khác học sinh phải hiểu và phân biệt được các thuật ngữ “đặc thù” về các “từ khoá” của từng nội dung, bởi những từ khóa này sẽ làm căn cứ để trả lời đúng nhất. Cùng đó học sinh phải thường xuyên luyện những bài tập trắc nghiệm, kể cả những bài tập dưới dạng cơ bản (biết, hiểu) và dạng vận dụng, vận dụng cao để mở rộng và củng cố kiến thức”, cô Giang chia sẻ.
Việc xác định mục đích dự thi là điều rất quan trọng vì ảnh hưởng đến nội dung ôn thi. Chẳng hạn nếu chọn môn Lịch sử trong tổ hợp môn xã hội để xét tốt nghiệp thì học sinh chỉ cần tập trung học các kiến thức cơ bản được đề cập trong sách giáo khoa lớp 11, 12. Còn nếu chọn môn học này để xét tuyển vào đại học thì bên cạnh việc nắm các kiến thức cơ bản, học sinh cần phải nắm thêm các kiến thức tổng hợp, kiến thức nâng cao và vận dụng trong thực tiễn. - Thầy Nguyễn Tiến Vinh